Trong thời đại công nghệ số phát triển nhanh chóng, nhiều cha mẹ lo lắng về những nguy cơ tác động xấu mà trẻ em có thể gặp phải trên không gian mạng. Vì vậy, một số cha mẹ đã áp dụng biện pháp kiểm soát bí mật thư tín, điện thoại, mạng xã hội của con cái. Tuy nhiên, điều này đã vô tình xâm phạm đến quyền riêng tư của trẻ em – một trong những quyền cơ bản và thiêng liêng nhất được pháp luật bảo vệ.
Theo Điều 21 Luật Trẻ em 2016, trẻ em “được pháp luật bảo vệ bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác; được bảo vệ và chống lại sự can thiệp trái pháp luật đối với thông tin riêng tư”. Như vậy, mọi hành vi xâm phạm quyền riêng tư cá nhân của trẻ đều bị xem là hành vi vi phạm pháp luật. Ngoài ra, quy định tại khoản 2 Điều 54 Nghị định 144/2021/NĐ-CP còn nêu rõ, nếu cha mẹ có hành vi xâm phạm về đời sống riêng tư của con cái nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của con thì sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đến 20.000.000 đồng.
Quyền riêng tư là một quyền cơ bản của con người, trong đó có trẻ em. Thay vì kiểm soát con cái, bậc cha mẹ nên tôn trọng quyền riêng tư của con và áp dụng các biện pháp giáo dục, hướng dẫn trẻ sử dụng công nghệ an toàn, hiệu quả; cần xây dựng mối quan hệ tin cậy, chia sẻ cởi mở với con, từ đó có thể nắm bắt và định hướng được những hoạt động của trẻ trên không gian mạng một cách hiệu quả hơn, thay vì áp dụng các biện pháp can thiệp trái pháp luật.