PHÁP LUẬT VỀ DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN

PHÁP LUẬT VỀ DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN luatlapphuong.vn 04/06/2024

PHÁP LUẬT VỀ DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN

Trong những năm qua, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam liên tục có sự tăng trưởng mạnh cả về số lượng, quy mô, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, thực tiễn phát triển cũng đặt ra nhiều vấn đề về sự hiểu biết pháp luật của loại hình doanh nghiệp này.

  1. Khái niệm về Doanh nghiệp tư nhân

Doanh nghiệp tư nhân là một loại hình doanh nghiệp, là một tổ chức có tên riêng được nhà nước thừa nhận thông qua việc nhà nước cấp Giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp với mục đích thường xuyên, liên tục thực hiện hoạt động kinh doanh tìm kiếm lợi nhuận.

  1. Đặc điểm pháp lý của doanh nghiệp tư nhân

Thứ nhất, doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ sở hữu, vì vậy, tài sản góp vốn cũng sẽ do một cá nhân đó đầu tư. Điều này sẽ phân biệt doanh nghiệp tư nhân với những loại hình doanh nghiệp khác. Tài sản được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân không phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu cho doanh nghiệp. Như vậy, doanh nghiệp tư nhân không có tài sản riêng, tài sản của doanh nghiệp tư nhân vẫn là tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ doanh nghiệp tư nhân.

Thứ hai, doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân. Doanh nghiệp tư nhân không có tài sản độc lập, tài sản đầu tư vào doanh nghiệp vẫn thuộc sở hữu của chủ doanh nghiệp tư nhân. Do vậy, doanh nghiệp tư nhân không đủ điều kiện để được công nhận là pháp nhân, không cần đáp ứng các điều kiện theo như Điều 74 Bộ luật Dân sự 2015.

Thứ ba, Chủ doanh nghiệp tư nhân chịu trách nhiệm vô hạn về mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Do không có tư cách pháp nhân, không có tài sản riêng nên chủ doanh nghiệp tư nhân phải chịu trách nhiệm đối với toàn bộ những hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Điều này có nghĩa là chủ doanh nghiệp tư nhân phải chịu trách nhiệm tài sản, trách nhiệm thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp bằng toàn bộ tài sản thuộc quyền sở hữu của mình bao gồm cả những tài sản không đầu tư vào doanh nghiệp .

  1. Hồ sơ, thủ tục thành lập Doanh nghiệp tư nhân

Căn cứ theo Điều  21 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, hồ sơ thành lập doanh nghiệp tư nhân bao gồm:

“1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

  1. Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ doanh nghiệp tư nhân.”

Sau khi chuẩn bị bộ hồ sơ đầy đủ, người có yêu cầu hoặc người được ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử hoặc nộp hồ sơ trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Khi hoàn thành việc gửi hồ sơ đăng ký, người nộp sẽ nhận được Giấy biên nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp. Trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ, nếu hồ sơ hợp lệ thì doanh nghiệp được Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh thông báo bằng văn bản gửi tới doanh nghiệp để sửa đổi, bổ sung hồ sơ.

  1. Một số ưu, nhược điểm khi thành lập doanh nghiệp tư nhân
  • Ưu điểm:
  • Doanh nghiệp tư nhân do 01 cá nhân làm chủ nên chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân có quyền quyết định mọi hoạt động của doanh nghiệp không cần thông qua ý kiến của bất kỳ ai.
  • Vốn của doanh nghiệp cho chủ sở hữu tự đăng ký và không cần làm thủ tục chuyển quyền sở hữu cho doanh nghiệp.
  • Chế độ trách nhiệm vô hạn giúp doanh nghiệp tạo dựng niềm tin với khách hàng và đối tác kinh doanh.
  • Cơ cấu tổ chức doanh nghiệp tư nhân đơn giản, dễ quản lý.
  • Chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân có quyền bán lại, chuyển nhượng quyền sở hữu cho người khác.
  • Nhược điểm:
  • Việc huy động vốn gặp nhiều khó khăn do doanh nghiệp tư nhân không được phát hành chứng khoán, khó có thể đáp ứng ngay nhu cầu cần có vốn lớn để kinh doanh.
  • Doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân nên không được tự mình thực hiện một số giao dịch mà pháp luật quy định
  • Chủ sở hữu doanh nghiệp không được quyền góp vốn thành lập Công ty Trách nhiệm hữu hạn hay mua cổ phần Công ty Cổ phần.
  • Chủ sở hữu chịu trách nhiệm vô hạn bằng toàn bộ tài sản của mình. Điều ngày có nghĩa là nếu tài sản của công ty không đủ để trả các khoản nợ, nghĩa vụ tài chính khác thì chủ sở hữu sẽ phải dùng tài sản riêng của mình để giải quyết các khoản nợ này ngay cả khi công ty đã tuyên bố phá sản.